Công Đức Cúng Dường
Đứng về mặt công đức tu hành mà nói, thì công đức bố thí của kẻ có tâm lượng rộng lớn luôn lớn hơn kẻ có tâm lượng nhỏ hẹp, người có tâm lượng vị tha luôn lớn hơn kẻ có tâm lượng vị ngã, cúng dường hồi hướng cho toàn thể chúng sinh, công đức sẽ lớn hơn khi chỉ hồi hướng cho riêng bản thân và gia đình.
Công đức cúng dường Phật:
Kinh Bảo Tích chép: “Tiên Nhơn Quảng Bác hỏi: Sau khi Phật diệt độ gieo trồng những gì mà được phước báu? Phật dạy: Các Đức Như Lai đều là Pháp thân, nếu còn ở đời hoặc sau khi diệt độ thì việc cúng dường phước báu không có khác.
Lại hỏi: Phước là do tích tụ ư? Phật dạy: Ví như cây mía lúc chưa ép thì không thể thấy, nhưng ở trong một lóng, hai lóng thì đều có nước tích tụ, rõ ràng người không thể thấy nước, nhưng khi đem ép thì nước chảy ra bên ngoài. Phước đức quả báo cũng lại như vậy, không ở trong bàn tay của thí chủ, hay ở trong tâm, trong thân, cũng không lìa nhau, giống như bóng theo hình”.
Kinh Đại Tập chép: “Thương Chủ Thiên Tử hỏi: Khi Phật còn tại thế cúng dường Ngài thọ nhận thì người thí được phước. Vậy sau khi Thế Tôn nhập diệt, cúng dường hình tượng thì ai là người thọ nhận?
Phật dạy: Chư Phật Như Lai là Pháp thân dù còn ở đời hoặc sau khi diệt độ, nếu có ai cúng dường vật gì thì được phước báu bằng nhau không khác”.
Trong cuộc đời của Đức Phật, có hai người cúng dường Phật không nhiều, nhưng được phước đức lớn; đó là cô chăn bò và anh cắt cỏ mướn. Hai người này gặp Phật trước khi Ngài đắc đạo, nên Ngài không đi khất thực. Một hôm, vì tu khổ hạnh quá sức, Ngài bị kiệt sức đến ngã gục. Cô chăn bò liền lấy sữa cho Phật uống. Ngài tu khổ hạnh tuy chưa đắc đạo, nhưng hướng tâm đến Vô thượng Bồ đề, nên cúng dường cho Ngài rất có công đức. Nhờ bát sữa của cô mà Ngài tỉnh lại, nếu không có bát sữa, chắc là Phật chết mất.
Sau đó, Ngài xuống sông Ni Liên tắm, khi lên bờ, Ngài gặp anh cắt cỏ mướn cúng cho Ngài một bó cỏ. Phật dùng cỏ này để trải tòa ngồi ở cội Bồ đề tu hành và phát nguyện nếu không thành đạo thì không rời khỏi nơi này. Phật ngồi trên cỏ của anh này cúng dường và Ngài đắc đạo. Phật nói hai người này có phước lớn nhất, vì có công đóng góp cho sự thành đạo của Phật và cho sự nghiệp độ sanh của Phật trong suốt 49 năm giáo hóa.
Nhờ công đức cúng dường này, anh cắt cỏ được sanh lên cõi trời tên là Kiết Tường thiên đời đời kiếp kiếp anh luôn được sống trong hoàn cảnh tốt lành. Trong khi các chư Thiên khác hết phước thì bị đọa, còn anh này không đọa, vì hưởng phước của Phật. Phật còn tiếp tục độ sanh là còn chia phước cho anh, nên phước của anh hưởng không hết, mà cứ lớn thêm. Vì vậy, cúng dường cho vị Tăng tu hành sẽ thành Thánh, thành Phật, ta có công đức.
Kinh Thiện Sanh chép: “Phật dạy: Như Lai tức là tất cả kho tàng trí tuệ. Thế cho nên người trí phải nên dốc lòng, siêng năng tu tập cúng dường. Khi thân Phật còn hoặc thân Phật đã diệt, nhẫn đến cúng hình tượng tháp miếu, đã cúng dường xong, ở trong thân mình, chớ sanh ý tưởng coi thường, ở chỗ Tam bảo cũng nên như thế. Nếu Ta còn ở đời hoặc sau khi Niết Bàn công đức bình đẳng không khác nhau”.
Kinh Ưu Bà Tắc Giới chép: “Phật dạy: Có người nói rằng: Đem phẩm vật cúng dường ở nơi tháp tượng, không được thọ mệnh, sắc đẹp, sức khỏe, an vui, biện tài, do vì không có ai thọ nhận, nghĩa ấy không phải thế. Vì có người thí chủ đem tín tâm mà cúng dường thế cho nên được 5 thứ phước báu. Ví như Tỳ kheo tu tập tâm từ, thật không có ai thọ lãnh, nhưng cũng được phước báu vô lượng”.
Công đức khen ngợi Phật:
Kinh Bồ Tát Bổn Hạnh chép: “A Nan bạch Phật: Nếu như có người đem 4 câu kệ khen ngợi Đức Như Lai, thì được mấy loại công đức? Phật dạy: Giả như có người khiến cho trăm ngàn Na Thuật vô số chúng sanh đều được quả Phật Bích Chi, như có người cúng dường y phục, đồ ăn uống, thuốc thang, giường nằm, tọa cụ, suốt 100 năm thì công đức ấy có nhiều không? A Nan đáp: Bạch Thế Tôn rất nhiều. Phật dạy: Nếu như có người đem 4 câu kệ dùng tâm hoan hỉ khen ngợi Đức Như Lai, thì những công đức đạt được vượt trội hơn gấp trăm ngàn vạn lần phước trên. Không thể lấy gì để ví dụ cho bằng”.
Đại Trí Độ Luận chép: “Nếu có người nghe công đức chư Phật, khởi tâm tôn trọng, cung kính khen ngợi, nên biết rằng trong tất cả chúng sanh, phước báu của người nầy không ai hơn được.
Cho nên mới nói là Tôn vậy;
Tâm kính sợ còn hơn là quân vương, cha mẹ, sư trưởng, vì có nhiều lợi ích cho nên mới nói là Trọng;
Khiêm tốn khép nép cho nên mới nói là Cung;
Suy xét trí đức cho nên gọi là Kính;
Khen ngợi công đức tốt lành gọi là Tán;
Khen rồi vẫn chưa đủ, lại ca dương đó gọi là Thán”.
Thích Thiện Phước